Tờ báo Time ngày 24 tháng 6 năm 1996 đã đăng bài dưới chủ đề “Lòng tin và sự lành bệnh” (Faith and Heathing) đã nêu ra câu hỏi: Can spirituality promote health? Doctors are finding some sursprising evidence (Có thể nào tâm linh đẩy mạnh sức khỏe? Những bác sỹ khám phá những điều làm ngạc nhiên) và chủ đề này đề cập đến hiệu lực của sức mạnh tâm linh qua những nghi lễ tín ngưỡng như lời cầu nguyện, sự đặt tay, và bùa chú giúp cho những bệnh nhân lành bệnh trở lại. Bài viết của Claudia Wallis, nêu ra những khảo sát:
Vào năm 1995, tại Trung tâm Y khoa Dartmouth Hitchcook đã ghi nhận sự sống sót trong 232 người bệnh được giải phẫu tim mà họ đã có được tâm trạng thoải mái và lòng tin về tôn giáo. Những bệnh nhân không có lòng tin thì số tử vong cao gấp ba lần những bệnh nhân có lòng tin.
Một nghiên cứu khác cho biết, những người đi lễ nhà thờ đều đặn thì chỉ bằng phân nửa bị chết vì bệnh mạch vành tim so với những người lười đi nhà thờ.
Ông Herbert Benson, trường Harvard, đã giải thích trong “Sự đáp trả của thư giãn” như sau: Qua sự tĩnh tâm quán định, người bệnh có thể chiến thắng những căn bệnh trong cơ thể mình, tạo ra một loạt thay đổi về sinh lý. Qua sự tĩnh tâm, mạch đập tim, hơi thở và sóng não bộ giảm đi, các cơ bắp thư giãn và các các kích thích căng thẳng bớt hẳn đi. Thí nghiệm sau đó ghi nhận các kết quả sau thư giãn: 75% người mất ngủ tìm lại giấc ngủ ngon, 35% phụ nữ hiếm muộn mang thai, và 34 % bệnh nhân kinh niên giảm liều thuốc giảm đau.
Trong cuốn sách “ Timeless Healing ”(Sự lành bệnh không lỗi thời) ông Benson còn tiến sâu vào lĩnh vực tâm linh. Trong 5 năm nghiên cứu những bệnh nhân áp dụng sự Quán tưởng để chiến đấu với căn bệnh kinh niên, theo đó những bệnh nhân có cảm tưởng thật gần gũi với Chúa trong lúc quán tưởng đã được hưởng nhiều sức khỏe và mau chóng bình phục hơn. Theo ông Benson, cơ thể con người là một bản sao di truyền tạo ra để tin vào một sự Tuyệt đối vô biên của thiên nhiên.
Lời cầu nguyện tác động qua biểu đồ sinh hóa, hay nói cách khác cầu nguyện tác động đến những kích thích tố do tình trạng căng thẳng tạo ra (như epinephrine và corticoids) làm giảm huyết áp, tim đập thư thả, nhịp thở khoan thai…
Sự định thần quán tưởng làm thay đổi hoạt động của kích thích tố, đương nhiên có ảnh hưởng rõ rệt trên hệ thống miễn nhiễm. Có lẽ chẳng phải là do một sự trùng hợp nào đó mà sự đáp ứng thư giãn và những cảm xúc về tín ngưỡng đã cùng chia sẻ những bản doanh chỉ huy trong não bộ như các hạch hạnh nhân và hạch hải mã – amygdale & hippocampus – ở hệ thống não biên – diệp – limbic system.
Tháng 7 năm 2008, tờ Nhật báo Politiken tại Đan Mạch, đã có bài viết về Thiền Quán như sau :
Thiền là một pháp môn đã có mặt trên 2550 năm và AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch. Có nghĩa là khi cơ thể ở tình trạng suy giảm miễn dịch thì khả năng đề kháng không chống được các mầm bệnh thông thường, thì việc mắc phải các chứng bệnh truyền nhiễm ở người đã bị lây nhiễm HIV, sẽ dẫn đến cái chết, vì không có thuốc điều trị, để cho người bệnh có khả năng hồi phục.
Kết quả nghiên cứu của trường Đại học UCLA tại Hoa kỳ cho thấy Thiền Quán có năng lực làm cho tính miễm nhiễm dồi dào mạnh mẽ hơn trong cơ thể những người đang bị lây nhiễm HIV. Điều này, nghĩa là thực tập Thiền Quán sẽ ngăn chặn được sự xuất hiện của căn bệnh AIDS trong cơ thể những người không may bị lây nhiễm HIV và HIV sẽ “ngủ yên” không có cơ hội phát tán tấn công hủy diệt hệ thống miễn dịch .
Tóm lại, sự trị bệnh bằng lòng tin hay sức mạnh của tâm linh qua lời cầu nguyện hay Thiền quán với những kết quả khích lệ là một vấn đề mà con người trong thời hiện đại vẫn còn tiếp tục nghiên cứu và những người lạc quan tin rằng cơ thể con người là một sự phối hợp thân xác và tinh thần, có sự tương quan mật thiết với những quyền lực vô cùng to lớn của thiên nhiên.